Góp ý       Thời tiết
Long An: Hơn 80% sản lượng chanh không hạt tham gia thị trường xuất khẩu

Long An: Hơn 80% sản lượng chanh không hạt tham gia thị trường xuất khẩu

ý kiến của bạn

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Lê Văn Nam, huyện có sự chủ động, tích cực triển khai, thực hiện Chương trình đột phá của tỉnh về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nhất là trên cây chanh.

Hiện toàn huyện Bến Lức có khoảng 6.950ha trồng chanh, trong đó diện tích cho trái là 6.600ha, chủ yếu là chanh không hạt, năng suất bình quân 160 tạ/ha, sản lượng khoảng 105.600 tấn/năm. Năm 2023, huyện phát triển thêm 460ha (kế hoạch 445ha) chanh ứng dụng công nghệ cao, đạt 103,4% kế hoạch tỉnh giao. Đến thời điểm hiện tại, diện tích chanh ứng dụng công nghệ cao trên toàn huyện là 2.341ha (tỉnh giao đến năm 2025 có 2.700ha).

Để chanh trở thành cây trồng chủ lực như hiện nay, ngành Nông nghiệp huyện bằng nhiều giải pháp đã chủ động, phối hợp các đơn vị liên quan liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Hiện tại, hơn 80% sản lượng chanh không hạt được trồng trên địa bàn huyện được chế biến phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, giá chanh không hạt luôn ở mức ổn định, người trồng chanh có thu nhập bình quân 1ha chanh cao hơn các loại cây trồng khác (gần 100 triệu đồng/năm).

Trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu chanh ổn định theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ đầu ra. Điển hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chanh có Công ty TNHH The Fruit Repuplic (Cần Thơ) với nông dân trồng chanh trên địa bàn huyện ở nhiều xã: Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức,...

Công ty TNHH The Fruit Repuplic luôn mua cao hơn giá chanh thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg. Hiện Công ty tham gia thu mua, xuất khẩu chanh đến nhiều thị trường trên thế giới, trong đó, thị trường EU, Trung Đông,... chiếm 15% sản lượng ổn định.

Ngoài diện tích Công ty TNHH The Fruit Repuplic đã liên kết trực tiếp với nông dân, ngành Nông nghiệp huyện cũng đã gửi danh sách diện tích thực hiện ứng dụng công nghệ cao từ mô hình hỗ trợ từ nguồn ngân sách huyện để giới thiệu gần 500ha chanh cho Công ty này tìm hiểu, tiến đến ký kết hợp đồng tiêu thụ với nông dân (nếu đáp ứng theo yêu cầu của Công ty) để dành cho xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.

Theo ông Lê Văn Nam, chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là định hướng phù hợp với xu thế hiện nay. Tại huyện Bến Lức đã phát huy hiệu quả trên cây chanh.

Để có được kết quả đó, công tác tuyên truyền, vận động được ngành Nông nghiệp huyện tổ chức thực hiện thông qua các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm,... để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục đồng hành cùng nông dân thực hiện đạt 520ha chanh ứng dụng công nghệ cao để đến năm 2025 đạt 2.700ha theo chỉ tiêu tỉnh giao.

Song song đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân sản xuất chanh ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được tăng cường thực hiện.

Thực hiện: Mai HươngNguồn: Báo Long An online
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng