Góp ý       Thời tiết
Vĩnh Phúc: Người chăn nuôi xã Nhân Đạo chủ động tái đàn gia cầm sau dịp Tết Nguyên đán năm 2024

Vĩnh Phúc: Người chăn nuôi xã Nhân Đạo chủ động tái đàn gia cầm sau dịp Tết Nguyên đán năm 2024

ý kiến của bạn

Cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một lượng lớn gia cầm của xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô được giết mổ để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã, đang đẩy mạnh việc tái đàn theo hướng có kiểm soát, an toàn và chất lượng nhằm khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường sau tết.

Đến gia đình anh Lương Minh Sáng, thôn Hồng Sinh là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm chăn gia cầm. Để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh đã xuất bán 2.000 gà thịt. Mặc dù giá gà bán không được cao giá gà thịt chỉ dao động 45.000 - 49.000 đồng/kg, nhưng gia đình anh vẫn có lãi. Ngay sau khi xuất bán, anh Sáng đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho việc tái đàn, ổn định quy mô chăn nuôi sau tết. Anh Sáng cho biết: Những tháng đầu năm, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường, đàn gia cầm bị giảm sức đề kháng nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, tôi còn chú trọng nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, khoáng chất và sử dụng bóng đèn để sưởi ấm cho đàn gà con.

Cũng là hộ chăn nuôi gia cầm chuẩn bị tái đàn sau dịp tết gia đình anh Lê Xuân Cường, thôn Hồng Sinh, xã Nhân Đạo, đến khu chuồng nuôi gà của gia đình anh, chúng tôi thấy khu vực chăn nuôi được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng cẩn thận. Ngay sau Tết Nguyên đán, anh đã tái đàn ngay 1.000 con gà ta lai, anh Cường cho biết: Dịp cuối năm vừa qua, gia đình đã xuất bán đàn 2.000 con. Ngay sau khi xuất bán, tôi đã tiến hành loại bỏ chất thải, rắc vôi bột và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường xung quanh bằng chế phẩm Cloramin B, rồi mới tái đàn trở lại. Tuy nhiên, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao, giá gà bán thì thấp nên gia đình sẽ không tăng đàn ồ ạt mà nắm bắt thời điểm để phát triển chăn nuôi hợp lý. Đối với gà giống, gia đình đặt mua ở lò ấp có uy tín.

Ông Đỗ Văn Hiếu, cán bộ thú y xã Nhân Đạo cho biết: Trên địa bàn xã tổng đàn gia cầm khoảng 40.000 con, những năm qua chăn nuôi phát triển đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân và chăn nuôi trở thành một trong những nghề chính, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân. Cũng chính vì lẽ đó mà công tác tái đàn, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm đã được người dân và các hộ chăn nuôi trong xã đặc biệt quan tâm. Sau nhiều năm chăn nuôi, người dân trong xã nói chung và các hộ chăn nuôi nói riêng đã tự trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm trong việc tự chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình.

Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý giống phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tích cực rà soát, thống kê số lượng, đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường. Tích cực hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh sau khi xuất bán gia súc, gia cầm.

Để giúp việc tái đàn sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sau Tết Nguyên đán đạt hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố phối hợp với phòng chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, phân công cán bộ phụ trách địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tái đàn sản xuất với nội dung: Trước khi tái đàn, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin, dự báo diễn biến thị trường và lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế tránh tư tưởng nóng vội và xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu; đặc biệt đối với các cơ sở đã xảy ra dịch bệnh cần lưu ý không tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, khi tái đàn cần nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau khi ổn định mới tăng tiếp quy mô đàn vật nuôi.

Dọn dẹp, vệ sinh, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi. Tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại, môi trường chăn nuôi bằng vôi bột, formol và các loại hoá chất sát trùng khác như: Benkocid, Iodine, Virkon,...

Khi thực hiện tái đàn cần lựa chọn con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đúng phẩm cấp giống, đã tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định và có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn; Đảm bảo khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học nâng cao sức đề kháng đối với từng loại vật nuôi, nhất là đối với gia súc, gia cầm non; tiết kiệm các chi phí về nhân công, điện, nước,... trong sản xuất và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, theo VietGAP để tăng năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiện nay đang vào giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường, độ ẩm không khí cao là điều kiện để dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan, người chăn nuôi nên chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy những hiện tượng bất thường, như: sốt cao, bỏ ăn, ho, khó thở,... phải nhanh chóng nuôi nhốt cách ly để kiểm tra, theo dõi, điều trị; đồng thời, báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng, trị bệnh thích hợp và xử lý kịp thời khi có nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định.

Hy vọng rằng với sự chỉ đạo tích cực của cơ quan chuyên môn và việc áp dụng thành công nội dung hướng dẫn tái đàn chăn nuôi từ đó góp phần phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và đưa ngành chăn nuôi tỉnh ta phát triển bền vững.

Thực hiện: Hồng ĐứcNguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng