+35
°
C
Tiền Giang: Ngư dân nhộn nhịp chuẩn bị ra khơi, đánh bắt hải sản sau Tết

Tiền Giang: Ngư dân nhộn nhịp chuẩn bị ra khơi, đánh bắt hải sản sau Tết

ý kiến của bạn

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, ngư dân Tiền Giang đang nhộn nhịp chuẩn bị ra khơi, bám biển để khai thác hải sản trong những ngày đầu năm mới.

Làng biển xóm Lăng của xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông vào những ngày này sôi động hẳn lên với những đoàn tàu đánh bắt đang chuẩn bị ra khơi để bắt đầu chuyến đánh bắt dài ngày vào đầu năm trên biển. Cùng với làng biển Tân Long của thành phố Mỹ Tho, làng biển xóm Lăng là một trong hai làng biển của tỉnh Tiền Giang có đoàn tàu đánh bắt xa khơi ở thềm lục địa phía Nam, vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc. Cả làng biển xóm Lăng nhộn nhịp với cảnh ngư dân hối hả vá lưới, vận chuyển lương thực xuống tàu với hàng chục can dầu được chất lên thành tàu, hàng trăm cây đá lạnh được chuyển xuống hầm tàu để ướp cá...

Trong không khí làm việc hối hả, khẩn trương nhưng các thuyền viên (hay còn gọi là "bạn ghe") đều náo nức, phấn khởi trước chuyến đánh bắt thành công vừa rồi và chuẩn bị cho chuyến đi mới. Tiếng cười nói vui vẻ làm xôn xao cả một khu vực tàu cập bến ở ấp Lăng của xã Tân Phước, nơi có miễu thờ Nam Hải Đại tướng quân, đây cũng là nơi diễn ra lễ hội cúng Ông như thông lệ Nghinh Ông ở Vàm Láng (diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm) nhưng ở Tân Phước lại diễn ra vào ngày 14 đến 16 tháng 5 âm lịch, đây là thời gian mà đoàn tàu đánh bắt hải sản từ thềm lục địa phía Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trở về.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (48 tuổi, ấp Lăng) là Thuyền trưởng tàu TG 92935TS, đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào rạng sáng ngày hôm sau, trong đó có lễ cúng bến trước khi ra khơi như thông lệ. Các chủ tàu đều chuẩn bị cho lễ cúng bến trước khi ra khơi đánh bắt theo thông lệ của người đi biển. Cúng bến là một nghi lễ không thể thiếu trước khi đoàn tàu khởi hành. Chủ tàu chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn gồm: heo quay, xôi đậu, cháo vịt... để cúng bến với niềm hy vọng một chuyến đánh bắt được "xuôi chèo mát mái", cầu mong "thuận buồm xuôi gió", ngư trường nhiều hải sản để tàu trở về đầy ắp cá.

Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Vàm Láng thuộc Đồn Biên phòng Kiểng Phước, Bộ đội Biên phòng Tiền Giang, các cơ quan chức năng tích cực hoàn thành các thủ tục cần thiết xuất bến để các tàu cá đánh bắt xa bờ thuộc xã Tân Phước, xã Kiểng Phước và thị trấn Vàm Láng của huyện Gò Công Đông ra khơi trong chuyến biển đầu năm. Cán bộ, chiến sĩ và nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng Vàm Láng tập trung làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện một cách nhanh chóng, đảm bảo chặt chẽ, tránh thiếu sót và không gây phiền hà cho bà con.

Đại úy Lê Văn Vịnh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng, Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Bộ đội Biên phòng Tiền Giang) cho biết: Trước ra khơi, lực lượng Bộ đội Biên phòng cho chủ phương tiện làm bản cam kết và kiểm tra chặt chẽ về máy giám sát hành trình, tổ chức tuyên truyền bà con ngư dân, đặc biệt là thuyền trưởng không đánh bắt vi phạm chủ quyền các nước láng giềng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức chấp hành các quy định về khai thác hải hản trên biển, không vi phạm khai thác IUU.

Bà Lê Hồng Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông cho biết: Toàn huyện có 790 phương tiện khai thác hải sản, chủ yếu là đánh bắt xa bờ với sản lượng trong năm 2023 đạt 84.920 tấn. Nỗ lực vươn ra các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa... của ngư dân không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá truyền thống của huyện, từ đó góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tổng số tàu cá của tỉnh hiện nay là 1.275 tàu với 9.140 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Đến nay, tỉnh có 100% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đưa vào hoạt động.

Xác định khai thác hải sản là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương, tỉnh Tiền Giang đã có định hướng chiến lược ưu tiên phát triển đội tàu công suất lớn, vươn ra những vùng biển khơi xa thuộc chủ quyền đất nước, đồng thời đầu tư phát triển các cụm dịch vụ hậu cần cả trên biển lẫn đất liền phục vụ ngư dân. Để thực hiện định hướng này, tỉnh Tiền Giang tập trung nguồn vốn đầu tư mở rộng cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông), xây dựng khu neo đậu tránh bão cửa sông Soài Rạp... Đồng thời, tỉnh Tiền Giang cũng có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đầu tư vốn kiện toàn trang thiết bị, ngư lưới cụ nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản.

Thực hiện: Hoàng AnNguồn: Công thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang

Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

Thứ năm, 07/03/2024

Quảng Ninh: Đền Xã Tắc - Nơi trấn yên bờ cõi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Tọa lạc tại bờ sông Ka Long (dòng sông nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc), Đền Xã Tắc, phường Ka Long, thành phố Móng Cái được coi là "cột mốc văn hóa" , khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu…
Thứ hai, 13/11/2023

Gỏi cá Sơn La - Món ăn chỉ có ở những địp đặc biệt của người Thái

Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo trong các món thường để đem ra thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu "xép nhứa cin nhứa ma, xép pa cin pa cỏi", nghĩa là "thèm thịt thì ăn thịt chó, thèm cá thì ăn cá gỏi". Ngày nay, món cá gỏi không chỉ có đồng bào dân tộc Thái chế…
Thứ ba, 25/06/2024

Cùng tìm hiểu về những đặc điểm sản phẩm lúa lai 3 dòng Syn8

Giống lúa lai 3 dòng Syn8 được Syngenta Việt Nam đưa vào sản xuất thử nghiệm từ năm 2020. Qua khảo nghiệm, đánh giá, đây là giống lúa siêu ưu việt nhờ đặc tính chịu rét tốt, đẻ nhánh tập trung, trổ nhanh, chống đổ ngã, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, sọc lá vi khuẩn, ít nhiễm rầy, gạo trong, cơm ngon, dẻo. Giống có thời gian sinh trưởng dao động…
 

Chứng nhận tín nhiệm mạng