Góp ý       Thời tiết
Hà Tĩnh: Nuôi ong lấy mật, tăng thu nhập hộ gia đình
Mô hình nuôi ong lấy mật

Hà Tĩnh: Nuôi ong lấy mật, tăng thu nhập hộ gia đình

ý kiến của bạn

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh thực hiện dự án "Xây dựng Mô hình Hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP" tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, với quy mô 500 đàn ong (50% ngân sách nhà nước, 50% đối ứng của người dân) và 10 hộ tham gia. Sau hơn 4 tháng nuôi đàn ong của các hộ dân phát triển tốt, đã cho khai thác 5 đợt mật, năng suất trung bình đạt 1,5 - 2 lít/đợt/đàn, với giá bán 250.000 - 300.000 đ/lít, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Sơn Lộc là một xã miền núi của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 358,76 ha, chiếm 26,22% diện tích tự nhiên toàn xã, đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho nhiều loại ong mật tự nhiên phát triển. Vì vậy, những năm qua người dân vùng đồi Sơn Lộc đã biết tận dụng lợi thế này để hình thành nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, bước đầu quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, các hộ chỉ nuôi từ chỉ nuôi một vài đàn, cá biệt mới có hộ nuôi 5 - 10 đàn; Giống ong nuôi chủ yếu là bắt từ ong tự nhiên về, hoặc các hộ tự nhân đàn rồi bán cho nhau; kỹ thuật nuôi còn nhiều hạn chế nên các đàn ong bị bốc bay, bỏ đi nhiều, nhất là mùa nắng nóng và mùa giá rét; khi thời tiết thuận lợi, các hộ dân lại mua giống hoặc bẫy ong nuôi lại từ đầu.

Thăm hộ chị Trần Thị Vui ở thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi cảm nhận được khí hậu mát mẻ của mùa thu trên vùng đồi núi nơi đây. Một khu vực vườn đồi với diện tích hơn 3 ha, gia đình chị trồng đủ các loại cây ăn quả từ cam, bưởi, hồng, cóc, mãng cầu, nhãn, vãi, mít …. một diện tích nữa thì trồng cây lâm nghiệp như keo, tràm… xung quanh lại có đồi núi bao phủ.

Chị Vui cho hay, vườn nhà chị rất thích hợp với việc nuôi ong, các đàn ong được đặt dưới tán các cây ăn quả, cây lâm nghiệp … Các thùng ong đặt cách nhau ít nhất 1m. Nuôi ong trong vườn cây ăn quả là sự kết hợp hiệu quả mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Ong sử dụng mật hoa và phấn hoa để làm thức ăn sau đó làm thành mật ong. Mật hoa và phấn hoa là nguồn thức ăn tự nhiên cho loài ong, người nuôi không mất chi phí thức ăn khi nuôi ong, sản phẩm mật ong lại đảm bảo an toàn. Đến mùa hoa, ong sẽ tự bay đi kiếm ăn, lấy phấn và hút mật hoa xung quanh vườn cây ăn quả của gia đình cũng như vườn của những hộ lân cận, sau đó bay trở lại thùng ong để tạo ra mật. Trong quá trình hút mật ở các bông hoa thì ong sẽ giúp thụ phấn cho hoa, do đó nuôi ong trong vườn cây ăn quả giúp tăng số lượng hoa được thụ phấn, cây ra nhiều quả, tăng năng suất cây trồng, giảm công lao động cho người làm vườn. Ngoài ra, khi nuôi ong trong vườn thì không được sử dụng các hóa chất độc hại để phun trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, do vậy sản phẩm từ cây ăn quả cũng rất an toàn cho người sử dụng, đồng thời giảm được việc thải các hóa chất độc hại, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thụ, cũng là một trong 10 hộ nuôi ong chia sẻ: Trước đây nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả. Công việc làm nông cũng hơi vất vả nặng nhọc. Hiện nay tuổi ông cũng đã cao, gần 70 tuổi, nên nghề nuôi ong phù hợp với ông hơn. Nghề nuôi ong lấy mật đầu tư vốn ít và không vất vả. Nhưng khi chăm sóc, người nuôi cần sự tỉ mỉ cũng như nắm được tập tính của ong mật thì sẽ cho kết quả tốt nhất.

Nhờ sự hướng dẫn tận tình chu đáo của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh trong việc tạo ong chúa, thay ong chúa, nhân đàn ong; quy cách thùng nuôi ong để ong phát triển tốt; cách phòng trị côn trùng thường gặp trên ong và cách điều trị khi ong bị bệnh; các cách phòng tránh hạn chế ong bốc bay; các hộ dân tham gia dự án đã duy trì tốt số lượng đàn ong vượt qua mùa hè nắng nóng của Hà Tĩnh, có khi nhiệt độ hơn 400C. Sau 20 ngày nuôi, đàn ong Dự án hỗ trợ đã cho thu hoạch đợt mật đầu tiên, sau hơn 4 tháng nuôi các đàn ong đã cho thu hoạch 5 đợt, mỗi hộ có được từ 80 - 100 lít mật.

Anh Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc của HTX cho hay: Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ ong giống và các vật tư thiết yếu nuôi ong như đường, phấn hoa, thùng quay mật, chân tầng, bộ dụng cụ nhân đàn …;được hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ nên đàn ong luôn khỏe mạnh, đông quân, vì vậy sản lượng mật ngày càng tăng. Trước đây chỉ thu hoạch được khoảng 1 lít mật/đàn/đợt, hiện nay các hộ dân đã thu được 1,5 - 2 lít mật/đàn/đợt. Để đảm bảo được quy trình sản xuất đồng nhất, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tìm đầu ra thuận lợi, 10 hộ dân đã thành lập nên Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An. Trong quá trình hoạt động, các thành viên của hợp tác xã luôn tuân thủ các nội quy, quy định, quy trình sản xuất do hợp tác xã đề ra. Sản phẩm mật ong của hợp tác xã được đóng chai, dán nhãn mác đầy đủ, do đó đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Thu nhập của các hộ dân đạt từ 80 -100 triệu đồng/năm.

Anh Kiên cho biết thêm: Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hợp tác xã đang xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đưa sản phẩm mật ong Tâm An đi khắp thị trường trong nước.

Thăm mô hình, Ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Trung tâm Khuyến Hà Tĩnh khẳng định: Thành công của mô hình nuôi ong tại xã Sơn Lộc đã tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, giúp các hộ dân gia tăng kinh tế. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông sẽ nhân rộng mô hình cho các địa phương khác trong tỉnh.


Trần Hà
Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh
Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

 

Chứng nhận tín nhiệm mạng