+35
°
C
Diện tích trồng na bị bùn đất ngập đến ngọn cây
Diện tích trồng na bị bùn đất ngập đến ngọn cây

Lào Cai: Nhiều diện tích hoa màu ở Bảo Thắng khó khôi phục sau mưa lũ

Phản hồi bài viết này!

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Lào Cai, sau khi mưa lũ rút, các địa phương chịu thiệt hại nhẹ bắt tay vào dọn dẹp, khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai - nơi có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, đang gặp nhiều khó khăn vì cây trồng bị ngập úng lâu ngày có nguy cơ thối hỏng.

Hộ gia đình ông Bùi Đức Mạnh, ở thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có gần 500 gốc na đã cho thu hoạch. Mỗi năm, với diện tích na này cho gia đình ông thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 vừa qua, toàn bộ diện tích na của gia đình đã bị chết hết do ngập úng nước lâu ngày.

"Xót xa quá, trước đây cũng có vài lần bị mưa ngập, nhưng lượng bùn đất ít và không bị úng lâu ngày thì cây na ít bị ảnh hưởng. Nhưng đợt mưa lũ này lớn quá, bùn đất ngập gần đến ngọn nên cây không thể sống được. Chắc gia đình phải san gạt lại hết bùn đất và chặt bỏ để tính trồng cây mới vậy thôi", ông Mạnh buồn rầu chia sẻ.

Cùng với cây căn quả, diện tích cây rau màu của bà con nông dân cũng thiệt hại nặng sau mưa lũ. Gia đình ông, Đỗ Hồng Chuyên ở thôn Quyết Tâm có 4 sào cà chua, mỗi năm cũng cho thu nhập trên dưới 1 trăm triệu đồng, là nguồn thu nhập chính của gia đình, bây giờ cũng vùi trong bùn đất.

"Coi như vụ này bỏ, gia đình cũng đang chủ động dọn dẹp để có thể tiếp tục sản xuất, nhưng với lượng bùn đất lớn như này cũng mất rất nhiều thời gian và công sức", ông Chuyên cho biết.

Thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên có hàng chục héc ta rau màu, trong những ngày qua lũ sông Hồng dâng cao làm cho hầu hết diện tích canh tác của bà con nông dân bị ngập úng; hiện tại nước đã rút nhưng để lại lớp bùn dày khoảng 1m.

Nhiều diện tích cây trồng mất trắng sau mưa lũ

Nhiều diện tích cây trồng mất trắng sau mưa lũ

Với lượng bùn đất lớn thì ngay cả việc sử dụng máy xúc để dọn dẹp, người dân ở đây sẽ phải mất nhiều tuần lễ mới có thể canh tác trở lại. Tuy nhiên, điều chắc chắn, sau khi trồng mới thì phải một vài năm nữa mới có thu hoạch đối với cây ăn quả, còn rau màu thì mùa vụ cũng đã qua, có trồng mới thì cũng phải đợi tới vụ…Chưa biết, những tháng ngày tới đây, bà con nông dân sẽ duy trì cuộc sống như thế nào khi mà thu nhập chính của hầu hết người dân là từ sản xuất nông nghiệp?

"Được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi đã chủ động ứng phó với bão số 3 nên may mắn không bị thiệt hại về người; tuy nhiên, tài sản, hoa màu của bà con thì bị thiệt hại nặng nề. Cả thôn có 50 hộ bị ngập nước thì có 12 hộ bị ngập sâu từ 2m trở lên, 8 hộ bị ngập sâu từ 1,3-2m, số còn lại ngập khoảng nửa mét. Gần 30 héc ta canh tác của bà con mất trắng", ông Phạm Văn Xuân, Trưởng thôn Quyết Tâm thông tin.

Mưa lũ làm 67 ha rau màu, cây ăn trái, trên 7 ha ao cá... ở Thái Niên mất trắng. "Xã chúng tôi là vùng rau trọng điểm của huyện, cung cấp lượng lớn rau an toàn cho huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai… Ưu tiên hiện nay của cấp ủy, chính quyền địa phương là tuyên truyền, vận động bà con trồng những cây còn mùa vụ như cây ngô ở vùng đất phù sa bồi đắp để sớm có thu hoạch", ông Đỗ Ngọc Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thái Niên cho biết thêm.

Trao kinh phí hỗ trợ cho bà con nông dân

Trao kinh phí hỗ trợ cho bà con nông dân

Cùng với việc khắc phục hậu quả mưa lũ thì huyện Bảo Thắng cũng đang chỉ đạo các xã tập trung khôi phục lại sản xuất. Chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra và hỗ trợ người dân các thôn phục hồi, trồng mới lại các vùng rau màu, bảo đảm nguồn cung ra thị trường huyện và thành phố Lào Cai.

Trước mắt, huyện Bảo Thắng đã quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng/ ha để người dân mua giống rau, vật tư phục vụ sản xuất; trong đó, đợt đầu huyện đã trao 110 triệu đồng cho 2 xã Gia Phú và Thái Niên. Đây là nguồn kinh phí từ "quỹ xây dựng nông thôn mới" và huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất rau an toàn tại vùng rau trọng điểm.

Thống kê từ Ủy ban nhân dân huyện Bảo Thắng, mưa lũ đã làm 781 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện bị ngập nước; trong đó, có 415,5 ha lúa, 227,5 ha ngô, 54,5 ha rau màu, 39 ha thủy sản, 30 ha cây ăn quả, 14,5 ha chuối... May mắn, mưa lũ không có thiệt hại về người.


Tác giả: Trọng Bảo
Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển


Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

Thứ năm, 07/03/2024

Quảng Ninh: Đền Xã Tắc - Nơi trấn yên bờ cõi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Tọa lạc tại bờ sông Ka Long (dòng sông nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc), Đền Xã Tắc, phường Ka Long, thành phố Móng Cái được coi là "cột mốc văn hóa" , khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu…
Thứ hai, 13/11/2023

Gỏi cá Sơn La - Món ăn chỉ có ở những địp đặc biệt của người Thái

Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo trong các món thường để đem ra thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu "xép nhứa cin nhứa ma, xép pa cin pa cỏi", nghĩa là "thèm thịt thì ăn thịt chó, thèm cá thì ăn cá gỏi". Ngày nay, món cá gỏi không chỉ có đồng bào dân tộc Thái chế…
Thứ ba, 25/06/2024

Cùng tìm hiểu về những đặc điểm sản phẩm lúa lai 3 dòng Syn8

Giống lúa lai 3 dòng Syn8 được Syngenta Việt Nam đưa vào sản xuất thử nghiệm từ năm 2020. Qua khảo nghiệm, đánh giá, đây là giống lúa siêu ưu việt nhờ đặc tính chịu rét tốt, đẻ nhánh tập trung, trổ nhanh, chống đổ ngã, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, sọc lá vi khuẩn, ít nhiễm rầy, gạo trong, cơm ngon, dẻo. Giống có thời gian sinh trưởng dao động…
 

Chứng nhận tín nhiệm mạng