+35
°
C
Lâm Đồng: Phát triển rau OCOP ở Vườn Nhà

Lâm Đồng: Phát triển rau OCOP ở Vườn Nhà

Phản hồi bài viết này!

Tiếp tục nâng cao uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm, tạo sự an tâm đối với người tiêu dùng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà ở thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt đã và đang phát triển các sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn xếp hạng OCOP từ khâu sản xuất, bảo quản sau thu hoạch đến chế biến, phân phối đến mạng lưới tiêu thụ tại các vùng miền trong cả nước cũng như xuất khẩu.

Sản phẩm OCOP bí mì sợi nhiều tiềm năng

Từ năm 2019, sản phẩm bí mì sợi thương hiệu Vườn Nhà Đà Lạt (Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà Đà Lạt) có sức hút mạnh mẽ đối với thị trường trong và ngoài nước. Đây là nguồn giống mới lạ do Hợp tác xã mua về từ Nhật Bản gieo hạt trồng trên diện tích 1.000 m2 nhà kính đầu tiên tại xã Xuân Thọ, chuyển đổi từ các loại rau ăn lá luân canh qua từng thời vụ ngắn ngày. Qua tìm hiểu quy trình kỹ thuật canh tác từ các nguồn tài liệu khác nhau, Hợp tác xã chọn mật độ xuống giống trồng 3.000 cây/1.000 m2, lắp đặt giàn choái cho cây thả đọt thành dây leo lên cao. Kết quả sau 3 tháng chăm sóc, cây bí mì sợi thu hoạch đồng loạt từng quả từ gốc đến ngọn với hình dạng căng đầy, màu vỏ bóng mượt, đạt năng suất trên dưới 3 tấn/1.000 m2, trung bình trọng lượng 1,5 kg/quả. Đưa vào hấp cách thủy đến chín tới rồi cắt đôi, lấy muỗng múc ra từng lọn sợi mì dài để ăn trực tiếp hoặc phối trộn thành món mì Ý có hương vị bùi bùi, ngòn ngọt đặc trưng của cao nguyên Đà Lạt. Sau đó Hợp tác xã đóng gói vận chuyển đến chuỗi 200 cửa hàng phân phối các vùng, miền trong nước.

"Theo dự báo nhu cầu hút hàng của thị trường, Hợp tác xã lên giá thành bán sỉ 150.000 đồng/kg, nhân với 3.000 kg/1.000 m2 thành tổng doanh thu 450 triệu đồng/1.000 m2 trong năm 2019. Trừ chi phí giống, vật tư, công lao động, còn lại đạt lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/1.000 m2/3 tháng. Để đảm bảo chất lượng bí mì sợi có lợi thế so sánh của xứ lạnh Đà Lạt, Hợp tác xã trồng luân canh 1 lứa bí mì sợi và 1 lứa rau các loại, tổng cộng thời gian 6 tháng. Từ đó, mỗi năm Hợp tác xã trồng và thu hoạch 2 lứa bí mì sợi, lứa nào cũng tiêu thụ hết trong vòng một tuần lễ…", chị Lương Thị Yến Vân hạch toán.

Đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà Đà Lạt liên kết với nông dân trong xã Xuân Thọ phát triển 1 ha trồng bí sợi mì, tăng quy mô gấp 10 lần sau 5 năm chuyển đổi. Hiện tại, nông dân trong thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận mở rộng nhiều diện tích trồng bí sợi mì với nguồn giống nhiều nước khác nhau, làm tăng nguồn cung, giảm giá thành bằng 30% so với 5 năm trước. Mặc dù vậy, Hợp tác xã đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất, thu hoạch bí mì sợi đạt chất lượng khác biệt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, mang về lợi nhuận với mức khá hơn các loại rau ngắn ngày khác, đặc biệt sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao của thành phố Đà Lạt, bước đầu xuất khẩu sang các nước láng giềng như Singapore, Campuchia, Thái Lan...

Nâng cấp và xếp hạng sao mới cho sản phẩm OCOP

Với sản phẩm cà rốt cọng tím truyền thống của vùng đất đỏ thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà Đà Lạt đã liên kết với nông dân chuyên canh ngoài trời khoảng 5 ha. Được xếp hạng OCOP 3 sao từ năm 2023 đến nay, Hợp tác xã sản xuất thời vụ 100 ngày trên diện tích 1.000 m2 đạt năng suất trung bình 4 tấn vào mùa khô và 2 tấn vào mùa mưa. Trong thời điểm tháng 7/2024, mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường trong nước trên dưới 800 kg. Riêng cây ớt sừng Palermo xếp hạng OCOP 3 sao, Hợp tác xã thu hoạch và phân phối trong nước mỗi ngày 400 kg tại khu vực xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương và 500 kg tại khu vực xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt. Tổng số 7 hộ liên kết sản xuất 4 ha trên 2 khu vực này, Hợp tác xã cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá thành cao hơn giá thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Phía nông hộ trong và ngoài thành viên Hợp tác xã có đất sản xuất và nhân công chăm sóc. "Nguồn giống ớt Palermo được hợp tác xã đặt mua ổn định theo mỗi thời vụ sản xuất từ Hà Lan, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật đạt trọng lượng 1kg gồm 7-8 trái. Có 4 màu sắc ớt trái Palermo của Hợp tác xã liên kết sản xuất với nông hộ gồm đỏ, vàng, cam và chocolate. Trái ớt có cơm dày, vị giòn ngọt, không hăng, nên rất được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ khá nhanh sau khi thu hoạch", Giám đốc Lương Thị Yến Vân thông tin thêm.

4 sản phẩm OCOP 3 sao còn lại của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà Đà Lạt đã và đang mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhờ chế biến tại nhà máy của Hợp tác xã đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu gồm: Bột cần tây sấy lạnh, bột tía tô sấy lạnh, chuối Laba Cầu Đất sấy dẻo và hồng sấy gió. Mục tiêu đến cuối năm 2024, bằng các giải pháp tiếp cận các khu vực thị trường tiềm năng nội địa và xuất khẩu, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà Đà Lạt nâng cấp 7 sản phẩm nông sản OCOP 3 sao nói trên lên hạng OCOP 4 sao, đồng thời phát triển mới 5 sản phẩm OCOP 3 sao từ đồng rau Đà Lạt và các vùng phụ cận.

Thực hiện: Văn Việt (Báo Lâm Đồng)Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202407/phat-trien-rau-ocop-o-vuon-nha-ead2c95/

Ý kiến của bạn...
hoặc với thông tin dưới đây:
Đang tải ý kiến... Các phản hồi sẽ được làm mới sau! 00:00.

Chia sẻ ý kiến của bạn!

Thứ năm, 07/03/2024

Quảng Ninh: Đền Xã Tắc - Nơi trấn yên bờ cõi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Tọa lạc tại bờ sông Ka Long (dòng sông nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc), Đền Xã Tắc, phường Ka Long, thành phố Móng Cái được coi là "cột mốc văn hóa" , khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu…
Thứ hai, 13/11/2023

Gỏi cá Sơn La - Món ăn chỉ có ở những địp đặc biệt của người Thái

Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo trong các món thường để đem ra thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu "xép nhứa cin nhứa ma, xép pa cin pa cỏi", nghĩa là "thèm thịt thì ăn thịt chó, thèm cá thì ăn cá gỏi". Ngày nay, món cá gỏi không chỉ có đồng bào dân tộc Thái chế…
Thứ ba, 25/06/2024

Cùng tìm hiểu về những đặc điểm sản phẩm lúa lai 3 dòng Syn8

Giống lúa lai 3 dòng Syn8 được Syngenta Việt Nam đưa vào sản xuất thử nghiệm từ năm 2020. Qua khảo nghiệm, đánh giá, đây là giống lúa siêu ưu việt nhờ đặc tính chịu rét tốt, đẻ nhánh tập trung, trổ nhanh, chống đổ ngã, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, sọc lá vi khuẩn, ít nhiễm rầy, gạo trong, cơm ngon, dẻo. Giống có thời gian sinh trưởng dao động…
 

Chứng nhận tín nhiệm mạng